Tuần lễ Doanh nghiệp & Tuyển dụng – VKU: Mời doanh nghiệp cùng Nhà trường đào tạo nguồn nhân lực IT

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ với sinh viên thông tin liên quan đến môi trường làm việc, yêu cầy tay nghề – kỹ năng mà lao động trẻ bắt buộc phải có.

(DA) – Hôm nay 19/4/2021, tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) đã diễn ra ngày hoạt động đầu tiên của Tuần lễ Doanh nghiệp và Tuyển dụng – VKU Enterprise and Career Week (kéo dài từ ngày 19 đến 22/4/2021).

Đây cũng tuần lễ “kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp – Lực lượng lao động trẻ chuyên ngành” lần đầu tiên được VKU tổ chức. Nhiều doanh nghiệp lớn, có uy tín trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã nhận lời tham dự.

“Chúng tôi nỗ lực tổ chức sự kiện này với mong muốn Tuần lễ Doanh nghiệp và Tuyển dụng mang lại nhiều cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ và tuyển dụng được nguồn nhân lực đa dạng về chuyên ngành và đông đảo về số lượng.

Đối với sinh viên, các em có thêm điều kiện để trải nghiệm về quy trình chuẩn bị, thực tập thực tế, thực tập tốt nghiệp. Các em cũng có thêm kinh nghiệm để sẵn sàng hơn trong tìm kiếm việc làm phù hợp cho mình.

Những quan tâm mà các em đặt ra cùng lời giải đáp trực tiếp từ các chuyên viên, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, hy vọng sẽ giúp các em nâng cao thêm nhận thức về nghề nghiệp. Sự chuẩn bị sớm, ngay từ bây giờ trên ghế nhà trường, với sự dìu dắt – hướng dẫn từ chính nhà tuyển dụng vô cùng có ý nghĩa” – Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp, Q.Hiệu trưởng VKU nhấn mạnh.

Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp, Q.Hiệu trưởng VKU: Nhà trường luôn rộng cửa chào đón các doanh nghiệp sớm tham gia, đồng hành cùng nhà trường tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng thực sự, đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông và Kinh tế số.

Đà Nẵng – “Làm nghề công nghệ thông tin có thể sống tốt”
Theo anh Đặng Ngọc Hải – Giám đốc Acxon Active, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng (DSA) – trong hơn 10 năm qua, ngành công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng đã có những thay đổi mạnh mẽ đến không ngờ. Nếu như cách đây hơn 10 năm, số lượng các công ty công nghệ thông tin có danh tiếng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hôm nay đã dễ dàng thấy được ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn đã đặt trụ sở của mình ở Đà Nẵng.

Điều này là dấu hiệu đổi thay đáng mừng, bởi định hướng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng; không chỉ đơn thuần là thu hút đầu tư, mà còn đem đến những lợi ích khác cho kinh tế, xã hội của thành phố biển.

“Những công ty IT thường sử dụng ít tài nguyên, chủ yếu là nguồn lao động tri thức. Tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập cao, thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Ngày càng có nhiều những kĩ sư công nghệ thông tin tài năng có mức thu nhập cao, có nhà có xe.Đà Nẵng cũng đã có những start up thành công trên nền tảng công nghệ thông tin – truyền thông, đóng góp cho thành phố một tỷ trọng không hề nhỏ trong nghĩa vụ thuế, góp phần không nhỏ vào đà tăng trưởng kinh tế xã hội chung của thành phố” – anh Đặng Ngọc Hải nhấn mạnh.

Anh Đặng Ngọc Hải – Giám đốc Acxon Active, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng (DSA).

Những quan ngại về tính thiếu bền vững – Góc nhìn từ Nguồn Nhân lực
Tuy nhiên, thực tế cũng đã xuất hiện một thách thức không hề đơn giản, đó chính là nguồn nhân lực ở Đà Nẵng không đủ đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn đến từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cả về số lượng, lẫn chất lượng. Thậm chí, có doanh nghiệp buộc phải giới hạn lại quy mô hoạt động của mình ở Đà Nẵng, chỉ vì không thể tuyển được nguồn nhân lực đáp ứng đúng, đủ nhu cầu.

Cũng do nguồn nhân lực bị hạn chế, có doanh nghiệp bắt buộc phải chấp nhận bước vào đường đua cạnh tranh trong tuyển dụng. Điều này kéo theo hệ lụy là tỉ lệ nhảy việc ngày càng cao, mức lương trung bình cũng tăng cao nhanh. Nếu không có giải pháp kịp thời, thì khó có thể đảm bảo cho sự bền vững của ngành công nghệ thông tin thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

“Trong bối cảnh này, tôi cho rằng việc thành lập VKU là một tín hiệu hết sức đáng mừng. Và một trong những việc mà chúng ta có thể làm ngay được, đó là tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Nhà trường và Doanh Nghiệp, góp phần tối ưu ở mức tối đa chất lượng đầu ra, khi chưa thể tăng nhanh về chỉ tiêu đầu vào.

Để toàn bộ các em sinh viên VKU ra trường, đều có thể có một công việc phù hợp, thì rất cần sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp, ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với vai trò là một cũng là một doanh nghiệp, tôi thực sự thấy đáng mừng khi ngày càng nhiều doanh nghiệp không chỉ tập trung vào việc cạnh tranh nguồn nhân lực có sẵn trên thị trường, mà bắt tay vào cùng hỗ trơ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chung cho thành phố. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin lớn, có uy tín trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã nhận lời tham dự VKU Enterprise and Career Week” – anh Đặng Ngọc Hải nhấn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng sinh viên.

Rộng mở vòng tay chào đón doanh nghiệp cùng tham gia quy trình đào tạo
VKU ra đời với sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học; chuyển giao tri thức và công nghệ về công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số và các lĩnh vực liên quan nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia và quốc tế.

Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp – Q.Hiệu trưởng VKU nhìn nhận: Những thành công của VKU trong thời gian qua luôn gắn liền với sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp. Từ mối liên kết này, VKU có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định, gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo lập được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Được biết, VKU là 1 trong 3 Trường Đại học công lập lớn trên cả nước và duy nhất tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

VKU đã và đang tập trung đào tạo các lĩnh vực mới, hiện đại và tiên tiến nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, bao gồm: Kỹ thuật phần mềm; Khoa học dữ liệu & AI; IoT & Robotics; An toàn thông tin; Thương mại điện tử; Marketing số; Tài chính – Kế toán số; Truyền thông đa phương tiện; Mỹ thuật số.

Với tinh thần cầu thị, mong muốn nắm bắt thêm nhu cầu – yêu cầu của doanh nghiệp, của nhà tuyển dụng; cũng như, nâng tầm quan hợp tác nhà trường – nhà tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực; từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Hội đồng trường – Ban Giám hiệu, Trưởng các đơn vị của Trường đã đến thăm và làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quang Vũ – Phụ trách Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (VKU), qua các buổi làm việc cởi mở, chân tình, VKU và các doanh nghiệp đã cùng có sự tương đồng rất cao trong việc cùng nhau tạo ra các nguồn lực chất lượng để phục vụ sự phát triển của xã hội, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp .

Hai bên thống nhất hợp tác xây dựng các Lab nghiên cứu, thực hành online, không gian sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới như AI, Data Science, 5G và 6G, phần mềm điều khiển ô–tô, xe tự hành,…; các doanh nghiệp cũng sẽ cử kỹ sư, chuyên gia của mình tham gia hướng dẫn, giảng dạy cho sinh viên VKU một số chuyên đề thuộc thế mạnh của từng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cam kết sẽ luôn đồng hành và có các chính sách hỗ trợ các sinh viên tiềm năng của VKU cũng như cùng với VKU tổ chức các cuộc thi, sân chơi khoa học như Robocar, Olympic Tin học, Tiếng Anh, Thiết kế web,… và các hoạt động thể thao, văn nghệ và khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên của VKU.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Vũ – Phụ trách Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (VKU), VKU và các doanh nghiệp đã cùng có sự tương đồng rất cao trong cam kết nỗ lực việc cùng nhau tạo ra các nguồn lực chất lượng để phục vụ sự phát triển của xã hội, của doanh nghiệp.

Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp cũng nhấn mạnh thêm rằng, lãnh đạo nhà trường luôn xác định, muốn sinh viên hiểu, nắm bắt và trải nghiệm sớm về môi trường làm việc, những yêu cầu về quy trình sản xuất, kỷ luật lao động, nhất là ứng dụng công nghệ mới thì không thể thiếu vai trò và sự hỗ trợ của doanh nghiệp.

Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, và để phù hợp với bối cảnh mới “chung sống với Covid-19”, Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp đã đề xuất mô hình “thực tập trực tuyến”. Sinh viên không nhất thiết phải đến tận cơ sở, trụ sở của doanh nghiệp, mà có thể sử dụng phòng máy, hạ tầng truyền dẫn của trường để kết nối và thực hiện học kỳ doanh nghiệp, công việc thực tập tại doanh nghiệp ngay trên môi trường không gian mạng.

Lãnh đạo VKU khẳng định “Nhà trường luôn rộng cửa chào đón các doanh nghiệp sớm tham gia, đồng hành cùng nhà trường tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng thực sự, đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông và Kinh tế số. Ngay trong 2 năm đầu, cùng với việc được trang bị kỹ năng ngoại ngữ (giao tiếp và chuyên ngành), các em sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn đáp ứng sát yêu cầu của ngành, nghề mà các em đã chọn.

VKU sẽ sớm linh hoạt điều chỉnh về thời gian, phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo sinh viên vừa học tập tại VKU vừa tham gia đào tạo làm việc (On-the-job training) tại các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn lực sinh viên VKU, VKU cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, chẳng hạn như sẵn sàng cung cấp ngay dữ liệu sinh viên của mình phù hợp với nhu cầu tuyển dụng./.

Trần Ngọc