
(DSA) – 21CS (Phát triển kỹ năng thế kỷ 21 – 21st Century Skill program, gọi tắt là 21CS), là chương trình dạy học ngoại khóa, tập trung phát triển năng lực sinh viên trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, được Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ thiết kế, tổ chức đào tạo thường xuyên hằng năm.
“Là một trong những trường đại học đầu tiên trong nước, sớm thực hiện cải tiến chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Những năm qua, Nhà trường đã xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu và liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và cả nước, cùng với các doanh nghiệp đến từ các nước trên thế giới.
Đặc biệt, với mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành “công dân toàn cầu”, bên cạnh nội dung chương trình đào tạo chính khoá, Nhà trường hướng đến phát triển các chương trình ngoại khóa nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho giảng viên, sinh viên toàn trường”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng.

Ngày 7/12/2022, hội thảo khởi động chương trình 21CS đã chính thức diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.
Hội thảo là cơ hội để các bạn sinh viên chuyên ngành kỹ thuật, tìm hiểu thêm những xu hướng phát triển công nghệ kỹ thuật, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao từ thị trường lao động cạnh tranh; qua đó, xác lập được định hướng học tập và nghiên cứu phát triển bản thân, chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có những ảnh hưởng và tác động lớn đến nhu cầu lao động, lẫn đòi hỏi cao hơn về trình độ chuyên, lẫn kỹ năng.
Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng, thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng – Skills Based Economy, trong đó 5 kỹ năng quan trọng nhất cần có cho “công dân toàn cầu“ cho công việc trong thế kỷ thứ 21 là: Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng giao tiếp và ứng xử, Kỹ năng tư duy phản biện và đàm phán, Kỹ năng tư duy sáng tạo và mạo hiểm.
Những kỹ năng mềm thiết yếu này không những chỉ giúp người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả công việc mà thực chất là giúp ích rất nhiều trong mọi khía cạnh cuộc sống ở gia đình ngoài xã hội tại công sở, nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống và văn hóa xã hội, khẳng định phẩm phấm chất và giá trị của lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh mới.
21CS cũng là chương trình nối tiếp, sau thành công của chương trình Thúc đẩy hợp tác trường Đại học và Doanh nghiệp, thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT), một dự án được tài trợ bởi Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và cũng được thực hiện bởi Đại học Bang Arizona.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cùng với hơn 16 doanh nghiệp và 10 trường đại học đối tác tại Việt Nam đã tham gia BUILD-IT, một chương trình mang đến khả năng tăng cường mối liên kết giữa đại học và doanh nghiệp, đồng thời, đưa các hoạt động học tập dựa trên dự án (ví dụ như dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng EPICS), vào các chương trình đào tạo thuộc khối ngành STEM của Việt Nam.

“Thông qua chuỗi các khóa học, cuộc thi, hội thảo, hoạt động kết nối và hợp tác với doanh nghiệp trong nước và quốc tế, chúng tôi có các chương trình phù hợp cho các em sinh viên tùy theo năng lực.
Sinh viên năm thứ nhất sẽ là đối tượng được làm quen với những nội dung (dạy và học theo dự án – Project Based Learning – PBL) nhằm phát triển năng lực nghiên cứu khoa học (URI); trong khi đó, từ năm 2, 3, 4, các em tiếp cận với những dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS); từ năm 3, 4, 5, sẽ là những dự án hợp tác doanh nghiệp (eProject).
21CS cũng mời gọi lực lượng giảng viên cùng tham gia. Đó là dự án từ sáng chế đến khởi nghiệp (MEP), Vườn ươm khởi nghiệp (Incubator) dành cho giảng viên và sinh viên năm 4, 5. Bên cạnh đó còn có dự án về Tự động hoá (Rockwell Automation), dành cho sinh viên các chuyên ngành liên quan.
Đặc biệt, 21CS rất chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ, phát triển của Nữ giới. Chương trình thiết kế riêng một nội dung để phát triển, thúc đẩy nữ giới trong STEM (WiSTEM), dành cho nữ sinh viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và Giảng viên” – TS. Nguyễn Thị Anh Thư, Phó trưởng khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST), Trường ĐH Bách khoa; Phó Viện trưởng Viện Công nghệ tiên tiến DNIIT (thuộc ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.
Được biết, TS. Nguyễn Thị Anh Thư – một Giảng viên tâm huyết với sứ mệnh đào tạo một thế hệ sinh viên năng động, hội nhập và phát triển toàn diện trong kỷ nguyên 4.0”, cũng chính là Huấn luyện viên đã truyền lửa, dẫn dắt các đội tuyển sinh viên khoa FAST, giành nhiều giải thưởng xuất sắc: 3 năm liên tiếp vô địch cuộc thi “Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng – EPICS – Việt Nam” (2018, 2019, 2020); “Bảo vệ xuất sắc nhất” tại cuộc thi “Đổi mới sáng tạo kỹ thuật – eProjects” (2020) với “Hệ thống nhặt rác biển thông minh”..

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường, thông qua chuỗi các khóa học, cuộc thi và hoạt động kết nối – hợp tác cùng doanh nghiệp của chương trình; Nhà trường hy vọng sẽ “xây dựng nên một hệ sinh thái sáng tạo với nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để toàn thể giảng viên, sinh viên cùng chung tay thực hiện từ xây dựng ý tưởng đến sáng tạo và ước mơ khởi nghiệp, và hơn hết là cảm hứng và động lực để phát triển các dự án phục vụ xã hội, theo đuổi đam mê sáng tạo và khởi nghiệp.
Cùng với sự tham gia, chia sẻ của doanh nghiệp và cơ quan chính quyền sẽ giúp Nhà trường hình thành nên những giải pháp và kế hoạch triển khai hiệu quả hơn, qua đó lan tỏa tinh thần sáng tạo hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của xã hội, theo đúng giá trị cốt lõi mà Nhà trường đã đặt ra trong chiến lược phát triển Nhà trường: “Chất lượng và chuyên nghiệp”, “Đổi mới và sáng tạo” “Nhân văn và liêm chính” “Gắn kết và phục vụ cộng đồng”.

Thay mặt Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, cơ quan đã phối hợp và đồng hành cùng Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, tổ chức hội thảo khởi động “Chương trình 21 Century Skills – Phát triển năng lực nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp cho cán bộ, sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng”, ông Thái Bá Cảnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội khẳng định:
“Thành phố Đà Nẵng đang tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, như phát triển khoa học – công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, … Chúng tôi tin tưởng và hy vọng những chương trình đào tạo tiên tiến này, sẽ lan toả thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, kết nối mạnh mẽ và bền chặt hơn giữa với doanh nghiệp với trường đại học. Từ đó, phát triển năng lực của thế kỷ cho chính người học, hướng đến hình thành thế hệ công dân toàn cầu, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của Đà Nẵng và của cả nước”.
Trong khuôn khổ sự kiện, các tác giả (của 3 dự án), sản phẩm công nghệ kỹ thuật đã đạt giải toàn quốc (gồm các dự án EPICS, MEP và dự án khoa học đổi mới sáng tạo khác) đã giới thiệu, trình diễn dự án và giao lưu với các bạn sinh viên.
T.Ngọc