
DSA – “Best Web Design – BWD 2022” là sân chơi được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp; có sự ủng hộ và chung tay của cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin.
Cuộc thi nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, giúp sinh viên (các chuyên ngành Công nghệ thông tin), tự tin thiết kế, phát triển sản phẩm truyền thông độc đáo, và quảng bá sản phẩm của chính mình đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp.
Năm 2022 cũng đánh dấu cột mốc lần thứ IV của sân chơi, quy tụ gần 1.000 sinh viên hào hứng tham gia.
Ngày 10/9/2022, đã diễn ra vòng chung kết Cuộc thi thiết kế web đẹp (Best Web Design – BWD 2022) lần thứ IV của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU).
BWD 2022 được tổ chức theo 2 bảng đấu, đó bảng BWD (dành cho sinh viên năm nhất) và đặc biệt, là bảng SUPER BWD (dành cho sinh viên năm thứ 2 trở lên , cũng như đã có giải ở các BWD 3 mùa trước).
BWD 2022 bắt đầu khởi động từ ngày 28/5/2022, trong đó, bảng BWD có 3 vòng thi, thu hút gần 300 đội thi với hơn 900 sinh viên tham gia. Gay cấn hơn hết, là Bảng SUPER BWD có 17 đội thi với 50 sinh viên đến từ các trường: Đại học Duy Tân, Đại học Bách Khoa và VKU (hai thành viên Đại học Đà Nẵng).
“Với nhiều nỗ lực trong đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, chúng tôi chọn hướng tiếp cận vận dụng học thuật, giải quyết ngay những vấn đề đã và đang được đặt ra của đời sống, của hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ.
BWD mở ra môi trường để sinh viên sớm tiếp cận thực tế, các em sẽ tự mình khai thác lượng kiến thức đã học, làm chủ các ứng dụng và thực hành thiết kế nên những website có tính sáng tạo cao, nhưng cũng có tính tiện ích thiết thực, có độ tương tác cao với người dùng và từ người dùng”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU, Trưởng BTC cuộc thi phân tích.

Sau vòng sơ loại, cuộc thi BWD 2022, xác định các đội tuyển xuất sắc vượt trội, gồm 10 đội (Bảng BWD) và 3 đội (Bảng SUPER BWD) bước vào vòng thi chung kết (ngày 10/9/2022).
Thành viên các đội thi phải tiếp tục vận dụng các kỹ năng, kiến thức tạo ra những sản phẩm website có giao diện riêng biệt (cá tính hóa dấu ấn sáng tạo về đồ họa và xử lý hình ảnh, hài hòa – bắt mắt về mỹ thuật, màu sắc, …), có đặc điểm, tính năng riêng tốt nhất, đồng thời cũng bảo đảm tính ứng dụng cao (Website về bảo vệ môi trường sinh thái; quyên góp từ thiện; chăm sóc sức khỏe; du lịch, mua sắm, ẩm thực,….).
“Tính sáng tạo mà chúng em mang đến cuộc thi là ý tưởng về chủ đề (tính năng) của Web.
Nhóm em chọn chủ đề “Crowdfunding (gọi vốn cộng đồng)”. Ở Việt Nam, thuật ngữ này chưa phải đã quá phổ biến, nhất là một Website được thiết kế với mục đích kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng, cùng chung tay và giải quyết một vấn đề bức xúc … Với chủ đề này, chúng em đã phát triển một website có tính thực tiễn cao, nhưng cũng rất khác biệt mục đích với các website khác”, Nhóm trưởng Lê Trường Giang, thay mặt Nhóm 4I, lớp: 21JIT, Ngành: Kỹ sư Phần mềm Tiếng Nhật, Khoa: Khoa học Máy tính (VKU), bảng BWD, chia sẻ.
Các yếu tố ngôn ngữ và công nghệ kỹ thuật mà các Đội cần vận dụng bao gồm HTML5, CSS, CSS3, JavaScpirt, Bootstrap, Jquery, … Website phải làm việc ổn định trên môi trường các trình duyệt thông dụng như Internet Explorer 8.0, Firefox 4.0, Google Chrome 8.0, Safari 5.0.

“Nhóm chúng em đã tranh thủ tối ưu các công nghệ web hiện có, phát triển một website đáp ứng các tiêu chí mà cuộc thi đặt ra. Trước hết chúng em chú ý đến tính thân thiện và tăng trải nghiệm cho người dùng.
Do vậy website mà chúng em thực hiện đã hoàn thiện trong cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, có đầy đủ chức năng. Hẳn nhiên, chúng em cũng chú ý đến giao diện, sao cho phải là một website đẹp”, Nhóm trưởng Nguyễn Thành Thiện, thay mặt đội Mao Mao, lớp: 20SE1, ngành: Kỹ thuật phần mềm, khoa Khoa học máy tính (VKU) cho biết.
Về chủ đề và chức năng truyền thông của website, 3 thành viên đội Mao Mao quyết định chọn lĩnh vực Bảo vệ động vật hoang dã, kêu gọi cộng đồng cùng hành động quyết liệt duy trì hệ thái tự nhiên, chống săn bắt, buôn bán, tàng trữ, nuôi nhốt trái quy định và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã.
Theo quy chế (bắt buộc) cuộc thi, ngoài thể hiện kiến thức, kỹ năng thiết kế website, các đội thi cũng phải sẵn sàng thể hiện khả năng thuyết trình về sản phẩm bằng tiếng Anh.
“Định hướng lớn của chúng tôi là đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều môi trường và thị trường lao động. Do vậy, tiếng Anh (và một số ngoại ngữ khác như tiếng Nhật) là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên.
Cũng trong định hướng đó, chúng tôi linh hoạt, hài hòa trong nội dung đào tạo lý thuyết và thực hành. Sinh viên VKU ở năm đầu tiên cũng đã bắt đầu làm ra các sản phẩm công nghệ, đến năm thứ hai, thì có thể thích nghi ở môi trường làm việc của các doanh nghiệp (chuyên ngành).
Từ năm thứ ba, các em được trang bị vững kiến thức chuyên sâu, gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học, chính các em với sự giúp đỡ của các Thầy Cô, phải thực hiện dự án/đề tài (có tính) sáng tạo, nhưng phải gắn với nhu cầu thiết thực của thực tiễn”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU, Trưởng BTC cuộc thi, nhấn mạnh thêm.
Cuộc thi thiết kế Web đẹp của Học hiệu VKU với kịch bản và công tác chuẩn bị luôn được đổi mới qua các năm, có tính hấp dẫn cao, trở thành một sân chơi bổ ích, đầy thú vị cho sinh viên.

Nhiều doanh nghiệp, trong đó phần lớn là hội viên DSA đã nhận lời đồng hành cùng BWD 2022: Công ty FPT Software Đà Nẵng, Công ty Công nghệ Phần mềm Enclave, Công ty Cổ phần Rikkeisoft, Công ty TNHH Smartdev, Trung tâm VNPT-IT khu vực 3, Enouvo IT Solutions và Orient Software Development Corporation – Da Nang. Đặc biệt, nhiều chuyên gia đến từ các công ty và tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin còn giữ trọng trách là Giám khảo của cuộc thi.
Đây cũng là cơ hội giúp sinh viên được tiếp cận và trực tiếp giao lưu với lãnh đạo, chuyên gia, qua đó, các em nắm bắt được những đòi hỏi, yêu cầu mà quy trình sản xuất doanh nghiệp đặt ra. Các em nắm và hiểu được những “khoảng trống” về kỹ năng, lẫn kiến thức.
“Để giải quyết rất nhiều yêu cầu của cuộc thi, đầu tiên, chúng em phải nắm vững và biết khai thác tốt kiến thức cơ bản đã học. Từ những kiến thức nền tảng đó, chúng em tiếp tục tự học, tự nghiên cứu những kiến thức cao hơn, mới hơn, khác hơn.
Đơn cử như biết vận dụng công nghệ, tổ chức một quy trình làm việc, vận hành dự án,… Qua cuộc thi, chúng em trau dồi tốt hơn tác phong, kỹ năng trong làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết những khó khăn gặp phải trong suốt quá trình tham gia cuộc thi. Chúng em đã được bỗ trợ nhiều kiến thức cũng như bắt đầu tích lũy kinh nghiệm quý cho quá trình làm việc sau này”, Nhóm trưởng Nguyễn Thành Thiện, thay mặt đội Mao Mao, nhìn nhận.

Được biết cùng với cuộc thi BWD, VKU cũng tổ chức 2 vòng thi phụ, đó là vòng thi truyền thông sản phẩm (từ ngày 17/7/2022 đến 6/8/2022). Theo ghi nhận đã có hơn 10.000 lượt tương tác qua mạng xã hội facebook. Vòng thi Hackathon (ngày 13/8/2022) với chủ đề “Chuyển đổi số hành chính công: Quản lý đăng ký tạm trú”./.


Cùng chủ đề, có thể bạn quan tâm:
Us Love – website bảo vệ động vật hoang dã, giành giải Nhất cuộc thi Best Web Design – VKU 2022
T.Ngọc