Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng nối vòng tay lớn đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến công nghệ

(DSA) – “Xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng nói chung, lĩnh vực công nghiệp phần mềm nói chung, thực sự đồng tâm, đồng hành cùng yêu cầu phát triển mới của Thành phố; kết gắn bền vững và tự nguyện thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, cũng như của cả Hiệp hội, trên tinh thần Hiệp hội vì Hội viên, mỗi Hội viên vì sự phát triển không chỉ của tổ chức mình, mà còn vì cả Cộng đồng và vì Ngành”, ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng nhấn mạnh trong chia sẻ của mình.

Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng phát biểu cùng cộng đồng DSA và các đại biểu.

Đây cũng là quyết tâm chung được đông đảo các anh chị, đại diện doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin hoạt động tại địa bàn Đà Nẵng, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, bày tỏ cao sự đồng thuận, tại buổi gặp mặt cuối năm 2022 (diễn ra tối 23/12/2022).

Được biết, trong cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng, lĩnh vực phần mềm và nội dung số đang tạo việc làm với mức thu nhập ổn định, đặc biệt một số doanh nghiệp có mức cao, kèm theo chính sách an sinh rất tốt, hết lòng vì người lao động cho 22.000 nhân lực (trên tổng số khoảng 45.000 nhân lực công nghệ thông tin).

… Sau một thời gian khá dài, những Người làm phần mềm Đà Nẵng mới có dịp quây quần đông đủ với nhau. Tôi 23/12, lần đầu tiên có thêm các đại biểu là quản lý nhân sự, quản lý sản xuất của doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự.

Năm 2022, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng, trong đó chủ yếu là lĩnh vực phần mềm được triển khai ở quốc gia khác, các doanh nghiệp như SDT, TCX, UNITECH,… tiếp tục triển triển khai giải pháp (phần mềm) của mình ở tỉnh thành khác. Nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động (như Ylinkee, ENOUVO,…). Một số doanh nghiệp đang có mô hình tốt về đào tạo như triển khai đào tạo lập trình ngắn hạn (FPT đang triển khai) hay nghiên cứu triển khai mô hình cho thuê nhân lực (Axon, Enouvo,…).

Anh Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đã chia sẻ nhiều thông tin được Cộng đồng doanh nghiệp làm phần mềm quan tâm.

Phát biểu cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng, anh Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết, chỉ trong năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng “đã có 3 quyết định quan trọng liên quan đến ngành của chúng ta”, đó là: Xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (Chương trình số 112/CTr-UBND ngày 14/6/2022) ; Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số (Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 07/11/2022) ; Đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực Tư trong 6 ngành, lĩnh vực mũi nhọn , trong đó có công nghệ thông tin (Quyết định 3096/QĐ-UBND ngày 30/11/2022). Trong đó, quyết định 3096/QĐ-UBND là bước đột phá về chính sách nguồn nhân lực của Đà Nẵng, lần đầu tiên, thành phố xác định và có chủ trương riêng cho nguồn nhân lực khu vực Tư.

“Quan điểm của lãnh đạo thành phố là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, chất lượng cao, đảm bảo đủ nhân lực, được xem là “một lợi thế đặc biệt quan trọng của Thành phố” trong thu hút đầu tư, nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số và nền kinh tế số thành phố, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), xây dựng thành phố thông minh, đủ năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế”, anh Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Năm 2022 tiếp tục cho thấy công nghiệp công nghệ thông tin là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng.

Cuộc gặp gỡ đông đủ và ấm áp tối 23/12, diễn ra sau một thời gian khá dài phải tạm hoãn nhiều hoạt động, sự kiện do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và bối cảnh hậu đại dịch. Đồng thời cũng là buổi gặp cuối của nhiệm kỳ Ban chấp hành DSA (2017-2022). Chuẩn bị cho công tác tổ chức đại hội vào năm đến (2023), cuộc gặp gỡ là dịp kết nối thêm, mở rộng vòng tay, đón chào các doanh nghiệp hội viên mới, sẵn lòng nhiệt thành tham gia Hiệp hội, góp thêm những ý tưởng mới cho hoạt động của nhiệm kỳ đến.

Chia sẻ những thành công của nhiệm kỳ 2017-2022, anh Đặng Ngọc Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội – cho biết, Hiệp hội đã hoàn thành trọn vẹn vai trò cầu nối, mời gọi nhiều tổ chức, doanh nhân trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số đến với Đà Nẵng, và đã có nhiều MOU chính thức được ký kết.

Cùng chủ đề, có thể bạn quan tâm
Đoàn Chuyên gia Đại học KyungHee – Hàn Quốc làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng

Cùng với các thành viên Ban chấp hành, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hoạt đào tạo, đồng hành cùng nhà trường trong nhiều sự kiện, hoạt động, nỗ lực đưa nội dung hợp tác Nhà trường – Doanh nghiệp đi vào chiều sâu.

Anh Đặng NgọcHải – Tổng Thư ký Hiệp hội chia sẻ về một nhiệm kỳ công tác vứa hoàn thành.

Trang thông tin điện tử của Hiệp hội ngày càng có lượng bạn đọc đông hơn, vừa phục vụ cho hoạt động truyền thông của Hiệp hội, cũng vừa hỗ trợ doanh nghiệp hội viên quảng bá hình ảnh của mình. Trang thông tin điện tử của Hiệp hội cũng tích cực đóng góp trong truyền thông hình ảnh của thành phố Đà Nẵng đến với nhiều độc giả, trong đó đã tích cực lan tỏa hình ảnh Đà Nẵng, thành phố đáng sống đáng đến và đồng thời cũng là một điểm đến công nghệ. Năm 2023 sẽ là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng sẽ nối lòng tay lớn, với nhiều cách làm đa dạng, nỗ lực cao, cùng nhau đưa Đà Nẵng thực sự trở thành điểm đến công nghệ hấp dẫn.

Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng nối lòng tay lớn đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến công nghệ. Ảnh trong bài: T.N

Về những nhiệm vụ, chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ đến, Tổng Thư ký Đặng Ngọc Hải cho hay Hiệp hội sẽ tiếp tục nâng cao năng lực kết nối (đối nội) và mở rộng quan hệ hợp tác (đối ngoại), không ngừng xây dựng cộng đồng Hội viên và doanh nghiệp công nghệ thông tin ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, sẽ rất chú trọng đến khâu đào tạo. Ngoài hợp tác chặt chẽ và đa dạng hơn với Nhà trường, thể hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp, sẽ phối hợp lẫn nhau để thực hiện đào tạo (nâng cao) cho chính nguồn nhân lực của mỗi doanh nghiệp hội viên./.

T.Ngọc