Dấu ấn VKU – 1 trong 3 điểm cầu làm sôi động Ngày hội Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam 2022

Không còn ghế trống tại điểm cầu VKU – SFD 2022, sự kiện rất đông các bạn sinh viên đến tham dự. Ảnh trong bài: T.Ngọc và VKU chia sẻ.

DSA – Lần đầu tiên, Ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở (Software Freedom Day/SFD) được tổ chức ở 3 điểm cầu trên cả nước, gồm Đại học Phennikaa (Hà Nội) – Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng và Đại học Cần Thơ.

SFD 2022 trở thành cơ hội giao lưu rộng khắp, kết nối giữa Cộng đồng Nguồn mở Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, các lập trình viên, chuyên gia quản trị mạng và sinh viên ngành IT các trường Đại học/Cao đẳng tại Việt Nam.

Chia sẻ của của ông Nguyễn Hồng Quang, cựu Chủ tịch VFOSSA 3 nhiệm kỳ I, II và III, từ điểm cầu Hà Nội.

Ngày 17/9/2022, đã diễn ra chuỗi hoạt động của sự kiện SFD 2022 do Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) phối hợp với 3 Đại học ở 3 điểm cầu Hà Nội – Đà Nẵng và Cần Thơ tổ chức.

Trong đó điểm cầu tại VKU – Đại học Đà Nẵng, còn có sự tham gia tổ chức Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Hội Tin học Đà Nẵng và FISU Miền Trung – Tây Nguyên. Thay mặt điểm cầu Đà Nẵng, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU, Chủ tịch FISU miền Trung – Tây Nguyên, đã có phát biểu chào mừng SFD 2022, sự kiện thường niên, được tổ chức vào ngày thứ Bảy tuần thứ Ba trong tháng 9 hằng năm trên toàn thế giới.

“Với 3 điểm cầu, SFD 2022 trở thành một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong Cộng đồng Nguồn mở Việt Nam, đặc biệt năm nay, sự kiện này mang đến cho giảng viên, sinh viên các trường đại học nói chung và VKU nói riêng tinh thần và cơ hội mới.

Đó là tinh thần đổi mới sáng tạo bằng phần mềm tự do nguồn mở, đóng góp cho yêu cầu đẩy nhanh nhiệm vụ chuyển đổi số hiện nay.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU, Chủ tịch FISU miền Trung – Tây Nguyên: mong muốn lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, nhát là ứng dụng phần mềm mã nguồn mở để tạo ra các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, giải quyết được các yêu cầu từ thực tiễn xã hội.

Với chương trình đào tạo và phương pháp đổi mới, hiện đại, sinh viên VKU ngay từ năm 1, năm 2 đã có thể tiếp cận các công nghệ, tham gia các sân chơi học thuật để tạo ra các sản phẩm như thiết kế website, sáng tạo Robocar, … từ ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở”.

Ưu tiên hướng đến đối tượng sinh viên, các chuyên gia về Phần mềm nguồn mở và Khởi nghiệp đã có những chia sẻ thú vị, sâu sắc, cung cấp hàm lượng thông tin rất hữu ích, đồng thời cũng gợi mở “Đóng góp cho Phần mềm tự do nguồn mở – Tại sao và làm như thế nào?” (tham luận của ông Nguyễn Hồng Quang, cựu Chủ tịch VFOSSA 3 nhiệm kỳ I, II và III) ; “Khai thác tài nguyên giáo dục mở” (tham luận của Chuyên gia nguồn mở Lê Trung Nghĩa – BCH Hiệp hội các trưởng Đại học-Cao đẳng Việt Nam).

BTC điểm cầu VKU trân trọng  ân các diễn giả.

Các chuyên gia cũng mang đến sự kiện SFD 2022 góc nhìn đối với lĩnh vực ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở trong nhiều lĩnh vực trong thời cách mạng công nghệ 4.0. Đó là mối tương quan giữa nguồn mở với các công nghệ Blockchain, IoT, AI, Big Data, Cloud Computing; cùng nhiều ứng dụng rất cụ thể trong các lĩnh vực thành phố thông minh (Tham luận “Các ứng dụng của công nghệ cho thành phố thông minh trong tương lai” của TS.Lê Anh Sơn – Đại học Phenikaa; Tham luận “Phần mềm mã nguồn mở cho giải pháp chính quyền số và đô thị thông minh” của TS. Thái Thanh Hải – Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, …), hay lĩnh vực nông nghiệp thông minh, sản xuất và phân phối sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.

TS. Thái Thanh Hải – Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, trình bày tham luận.

Với chủ đề “Mã nguồn mở cho cuộc sống số”, SFD 2022 cũng giới thiệu các giải pháp nổi bật như: Giải pháp mã nguồn mở cho chính quyền số, ứng dụng Busmap, phần mềm xe tự lái, Leverage DIY Home Automation with Open Infra Technologies, Decentralize the creation of living spaces, Open source for blockchain development.

Đặc biệt, tại điểm cầu Đà Nẵng, các Chuyên gia đến từ Công ty Enouvo và FPT Software miền Trung (ảnh trên) đã có nội dung giao lưu, tương tác với 300 sinh viên đến từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Những chủ đề học thuật rất bổ ích đã được chia sẻ gồm Web basic: Jsp/Servlet ; Blockchain application development with solidity.

Các bạn sinh viên đã gửi nhiều câu hỏi đến điểm cầu.

Sự kiện SFD 2022 có chủ đề “Mã nguồn mở cho cuộc sống số”, là 1 trong 3 điểm cầu, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn mong muốn lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, nhất là ứng dụng phần mềm mã nguồn mở để tạo ra các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, giải quyết được những yêu cầu từ thực tiễn xã hội. Đây cũng là cách Nhà trường tham gia, góp phần cho yêu cầu chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn, đồng hành cùng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay”- PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU, Chủ tịch FISU miền Trung – Tây Nguyên, chia sẻ thêm.

Các chuyên gia cũng mang đến sự kiện SFD 2022 góc nhìn đối với lĩnh vực ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở …

Được biết, Cộng đồng Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam đã hưởng ứng ngày SFD từ năm đầu tiên (2004) và đến nay vẫn duy trì đều đặn hằng năm. Từ năm 2012, VFOSSA nhận trách nhiệm tổ chức và quảng bá ngày SFD với đối tượng chính là sinh viên công nghệ của các trường đại học trên cả nước.

T.Ngọc