Đại học Đông Á mở chuỗi seminar nghiên cứu, ứng dụng Chat box GPT vào hoạt động đào tạo của nhà trường

Diễn giả của phiên seminar ngày 10/3/2023 là ông Tuấn Hà – Chủ tịch Vinalink Academy.

(DSA) – Tiếp nối chuỗi hoạt động học thuật, nghiên cứu ứng dụng công nghệ (được khởi động từ đầu năm), ngày 10/3/2023, Đại học Đông Á tổ chức buổi seminar “AI – CHATGPT trong giáo dục, nghiên cứu khoa học và truyền thông”.

Chương trình cũng là buổi thứ 2 về chủ đề ChatGPT, nằm trong chuỗi hoạt động học thuật, nghiên cứu, ứng dụng AI, ChatGPT, Bing – AI vào giáo dục, nghiên cứu khóa học và truyền thông đối với toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Đông Á.

Với chuyên đề “Chat box GPT (trong) xây dựng thương hiệu cá nhân cho sinh viên và giảng viên” seminar là dịp cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Đông Á từ tiếp cận, nắm bắt đến làm chủ các ứng dụng cùng làm việc với Chat box GPT một cách hiệu quả hơn.

Diễn giả của sự kiện là ông Tuấn Hà – Chủ tịch Vinalink Academy.

TS. Đỗ Sính – Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Á tặng hoa tri ân diễn giả Tuấn Hà.

Ông Tuấn Hà là người sáng lập Học viện đào tạo Digital Marketing Vinalink Academy , chủ tịch VINALINK, THEVUON, cố vấn Sharktank VietNam, đồng sáng lập và Phó chủ tịch VMCC (Cộng đồng tiếp thị và Truyền thông Việt Nam); Giảng viên thỉnh giảng cao học Marketing CFVG Pháp Việt, Chuyên gia sáng tạo ý tưởng truyền thông, chuyên gia tư vấn chiến lược Digital Marketing cho những tập đoàn lớn nhất Việt Nam.

Nhà sáng lập, Chủ tịch Vinalink Media và Học viện Vinalink – tổ chức chuyên đào tạo Digital Marketing có quy mô lớn nhất, đã nhiệt thành chia sẻ và phân tích nhiều chủ đề thời sự về AI, hệ sinh thái OpenAI hữu ích: Các xu hướng AI trên thế giới và Việt Nam; Các ứng dụng AI và Demo case; ChatGPT và Bing chat …Đồng thời cũng đưa ra những định hướng xây dựng thương hiệu cá nhân cho sinh viên và giảng viên thông qua kỹ thuật Chat box GPT.

Điểm nhấn của chương trình (phiên thảo luận chuyên đề, hỏi – đáp, trao đổi, chia sẻ) giữa các giảng viên, sinh viên với diễn giả Tuấn Hà đã diễn ra rất sôi nổi, cởi mở với nhiều câu hỏi từ hàng ghế người nghe.

Nhiều Thầy cô, các bạn sinh viên cho hay qua chương trình, đã nắm rõ cách thức ứng dụng câu lệnh ChatGPT trong học tập và sử dụng để xây dựng hệ thống truyền thông trong lớp học.

Vào chiều ngày 16/3/2023 sắp đến, Seminar “AI – CHATGPT trong giáo dục, nghiên cứu khoa học và truyền thông” sẽ diễn ra buổi thứ 2, với 3 chuyên đề (mới): Công nghệ và giáo dục, ứng dụng ChatGPT vào giảng dạy, học tập ; Open AI – ChatGPT – Tác động đến phương thức tiếp cận và đào tạo sinh viên tại Đại học Đông Á trong giai đoạn mới; và Các định hướng thích ứng với AI – ChatGPT đối với các ngành đào tạo về Marketing và Truyền thông của Đại học Đông Á.

Trước đó, vào chiều ngày 27/2/2023, cán bộ giảng viên trường Đại học Đông Á đã tham gia Seminar “Chat GPT trong giáo dục – lợi ích và thách thức”, nhằm đưa ra các đề xuất thích ứng phù hợp cho từng ngành đào tạo tại trường.

Được biết, sau một thời gian phân tích, đánh giá về tác động của ChatGPT đến hoạt động dạy và học, seminar được tổ chức và trở thành hoạt động khởi đầu cho chuỗi cải tiến phương pháp liên quan đến ứng dụng công nghệ mới trong công tác đào tạo tại trường Đại học Đông Á.

ChatGPT thuộc một trong các chủ đề “hot” đã và đang được thảo luận, nghiên cứu nhiều nhất tại các trường thời gian gần đây. Từ đầu năm 2023, Ban Giám hiệu Đại học Đông Á đã định hướng và triển khai thúc đẩy các nghiên cứu đến từng ngành, nhằm khai thác, ứng dụng hiệu quả công cụ mới này vào nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo và học tại Trường. Đại học Đông Á trở thành một trong số ít các đại học sớm triển khai nghiên cứu đến tầm ảnh hưởng (mặt tích cực, để phát huy, tận dụng) những hạn chế (trên phiên bản thử nghiệm của ChatGPT) và đặc biệt giảm thiểu tác động tiêu cực (cũng từ ChatGPT).

TS.Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á phát biểu tại phiên seminar ngày 27/2/2023.

Trong phiên seminar chiều 27/2/2023, các đơn vị của Trường đã trình bày 3 tham luận: Ảnh hưởng của ChatGPT đến khoa học và giáo dục; Đánh giá tác động của ChatGPT đến nhóm ngành công nghệ thông tin – Trường Đại học Đông Á và Làm sao để trải nghiệm ChatGPT ?

Các tham luận đều nhận định về những khả năng nổi bật mà ChatGPT – một sản phẩm của OpenAI mang lại. Hiện công cụ đang gây sốt này còn vượt qua nhiều bài test thông dụng khác. Bên cạnh đó, thông qua các khảo sát thực tế trên phần mềm, vẫn còn những hạn chế của ChatGPT trong các thao tác nhập dữ liệu tìm kiếm, trong việc đánh giá kết quả,… Tuy vậy, nó vẫn có sự tác động đáng kể đến các ngành học, các lĩnh vực khác nhau. Tham luận cũng phân tích cụ thể về các ảnh hưởng của ChatGPT trong nhóm ngành công nghệ thông tin Đại học Đông Á và dự báo về tác động của nó đến kỹ năng lập trình code trong CNTT.

Đặc biệt, phiên thảo luận của chương trình diễn ra rất sôi nổi với nhiều tranh luận và phản biện, thể hệ tinh thần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, trải nghiệm nghiêm túc của Ban Giám hiệu, cũng như các khoa, phòng, viện, trung tâm nhà trường.

Cán bộ giảng viên trường Đại học Đông Á tham gia Seminar “Chat GPT trong giáo dục – lợi ích và thách thức”

Thời gian tới, nhà trường khẳng định sẽ mở thêm các chuỗi seminar, tăng cường thảo luận/tranh luận giữa các chuyên gia, giảng viên, sinh viên nhà trường về ChatGPT, không ngừng phát huy hiệu quả, những tác động tích cực của AI trong giáo dục – dào tạo. Để sự kiện học thuật này luôn rộng mở đón nhận sự tham gia của mọi thành viên Đại học Đông Á, hình thức tổ chức sẽ vừa trực tiếp kết hợp trực tuyến./.

Ngọc Chi