(DSA) – “Đại học Đông Á hướng mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sinh viên, tạo đột phá trong hỗ trợ khởi nghiệp với 6 chương trình cụ thể” – ThS. Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á nhấn mạnh.

Ngày 27/1, Đại học Đông Á đã tổ chức hội thảo “Vai trò của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học” và Lễ phát động cuộc thi Sinh viên Đông Á với ý tưởng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
Tại sự kiện, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Đông Á chính thức công bố sẽ dành 2 tỷ đồng thúc đẩy các dự án khởi nghiệp trong giảng viên và sinh viên năm 2021.
Phát biểu tại chương trình, ThS. Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định :
“Đại học Đông Á hướng mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sinh viên, tạo đột phá trong hỗ trợ khởi nghiệp với 6 chương trình gồm: đưa vào giảng dạy chính khoa nội dung đào tạo về khởi nghiệp; tổ chức các sân chơi ý tưởng sinh viên; tạo nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp; hình thành không gian đổi mới sáng tạo sinh viên; kết nối Trung tâm đổi mới sáng tạo Đại học Đông Á vào mạng lưới các hoạt động đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia; thành lập Ban tư vấn thường trực hỗ trợ khởi nghiệp.”

Trong 6 nội dung vừa nêu, cuộc thi Sinh viên Đông Á với ý tưởng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, diễn ra từ 24/3 đến 15/4/2021, trở thành hoạt động mở đầu.
“Chúng tôi đã thu hút gần 30 dự án có tính ứng dụng cao, bám sát các đòi hỏi từ thực tiễn của các em sinh viên nhiều ngành đăng ký dự thi. Các dự án đều phải vượt qua 3 vòng thi, sau đó đi vào giai đoạn điều chỉnh, nâng cấp để hoàn thiện, chỉ có các dự án xuất sắc tiêu biểu qua chấm chọn nghiêm túc mới vào vòng chung kết” – TS.Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Đại học Đông Á chia sẻ.

Từ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trường đại học trở thành điểm đến của nền kinh tế chia sẻ
Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra Hội thảo “Vai trò của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học”. Có nhiều các tham luận, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thiết thực, đáng quan tâm do các chuyên gia khởi nghiệp, giới nghiên cứu chuyên ngành trình bày: “Định hướng phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học” của ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ với các định hướng theo đề án 844 (tức Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, thường được gọi tắt là Đề án 844); “Kinh nghiệm xây dựng và phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại trường đại học” của TS. Nguyễn Trung Dũng – CEO BK Holdings;…
Ban tổ chức cũng mở cuộc tọa đàm nhằm làm rõ hơn yêu cầu tạo dựng nền tảng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng chất lượng hoạt động khởi nghiệp ngay trong trường đại học.
Đây cũng là nội dung được mong đợi nhất nên đã diễn sôi động với chuỗi câu hỏi của các bạn sinh viên từ hàng ghế người nghe. Các em đã đón nhận lại nội dung trả lời từ hàng ghế diễn giả (là đại diện Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; các chuyên gia khoa học và công nghệ Viện nghiên cứu Đại học Đông Á; Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia; đại diện doanh nghiệp liên kết) rất bổ ích như “6 đặc tính của tư duy đổi mới sáng tạo”; “Những yếu tố tác động đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”…

“Một trong những định hướng quan trọng của đề án 844, về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, là tạo ra “một mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia, trong đó hạt nhân chính là những trường đại học dẫn dắt trong hệ sinh thái”.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học không chỉ tạo động lực cho sinh viên nhà trường mà còn có thể trở thành một “điểm đến” của các trường đại học trong nền kinh tế chia sẻ.
Nhà trường có trách nhiệm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết và những trải nghiệm cần thiết cho sinh viên nhưng không đòi hỏi chỉ số quá cao về số lượng start up mà là khởi tạo tâm thế, tư duy khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, giúp sinh viên sáng tạo những dự án giải quyết các vấn đề tạo ra sự tác động đối với xã hội.
Thông qua các hoạt động thiết thực, nhà trường tạo lập môi trường liên kết trao đổi sinh viên giữa các trường để sinh viên có thể tham gia vào các dự án khởi nghiệp ở trường khác hoặc ở khu vực tư nhân đang có hoặc mời các start up tham gia không gian làm việc của mình để làm quen, trải nghiệm và dần dần phát triển các dự án” – ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ phân tích sâu về “tinh thần, nội hàm khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo trong nhà trường”.
Cùng quan điểm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, ThS Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á cũng nhìn nhận:
“Chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp mà Nhà trường tổ chức, sẽ giúp các bạn sinh viên có được những góc nhìn mới, rõ ràng hơn về khởi nghiệp, đặc biệt là tư duy khởi nghiệp dựa trên thế mạnh công nghệ 4.0 cũng như linh hoạt để vượt lên những ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, cũng như các thách thức khác.
Sinh viên bất cứ ngành nào cũng có thể khởi nghiệp được, nhưng muốn vậy các em cần nắm rõ kiến thức về thị trường, chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm, khách hàng, xây dựng thương hiệu, thủ tục thành lập doanh nghiệp,…
Nếu được như thế, các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng và khởi nghiệp kinh doanh sẽ có tiềm năng thương mại hoá rất cao ngay từ khi dự án được ươm tạo trên giảng đường, phòng thí nghiệm – thực hành và không gian làm việc chung của Trung tâm đổi mới sáng tạo Đại học Đông Á.

Ngọc Chi