Đại học CNTT và TT Việt – Hàn: Hợp tác Nhà trường – Doanh nghiệp cần kịch bản tiếp cận mới, bài 2

Tranh thủ nguồn lực “Giảng viên doanh nghiệp” giàu hàm lượng kiến thức thực tiễn

Ông Nguyễn Tuấn Phương – Giám đốc FPT Software, Chi nhánh Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng.

(DSA) – Đại diện cho doanh nghiệp công nghiệp phần mềm hàng đầu Việt Nam, với tham vọng và mục tiêu tạo cơ hội công việc, phát triển nghề nghiệp cho các kỹ sư trẻ Việt Nam ở quy mô toàn cầu, ông Nguyễn Tuấn Phương – Giám đốc FPT Software, Chi nhánh Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng cho biết thêm: FPT Software luôn có kịch bản riêng, đúng hơn là chiến lược phát triển nhân sự.
Theo đó, FPT Software tổ chức đào tạo huấn luyện ở nhiều cấp độ (nhân sự mới vào Công ty {Chương trình đào tạo tân binh Fresher Embedded}, hay đào tạo nâng cao trình độ hàng năm) gồm các chuyên đề Kỹ thuật (công nghệ phần mềm; công nghệ mới; dự án tập trận và đào tạo OJT).

Về Ngoại ngữ, làm việc tại FPT Software, bạn phải học để thành thạo tiếng Anh, tiếng Nhật. Phương pháp khuyến khích là học với ứng dụng Duolingo. Công ty cũng đào tạo 3 kỹ năng mềm gồm làm việc nhóm, quản trị thời gian và kỹ năng lãnh đạo…

Giới thiệu sâu chiến lược phát triển nhân sự này, ông Nguyễn Tuấn Phương cũng chia sẻ đến đông đảo các sinh viên có mặt tại hội thảo “tinh thần học tập suốt đời, và việc học không bao giờ là đủ, đối với mỗi thành viên Fsoft”. Do vậy triết lý giáo dục hướng đến người học của Fsoft luôn là “Khi bạn đã nỗ lực hết mình, bạn là người chiến thắng”.

Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí. Ảnh: Các cơ quan báo chí phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Quý – Quản lý cấp cao, dịch vụ tư vấn Công ty Hitachi Vantara – một khách mời của hội thảo đến từ Công viên Phần mềm Quang Trung, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào năm 2014, FPT từng giành cú đúp danh hiệu Môi trường làm việc tốt và Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc tại giải thưởng Vietnam HR Awards 2014 lần đầu được tổ chức. Những bí quyết giúp tập đoàn FPT vững vàng trong bối cảnh hội nhập được chính lãnh đạo FPT từng chia sẻ đó là, tại FPT, việc học không đơn thuần là cử người đi học rồi về làm việc. Cách thức mà công ty thực hiện là học phải đi đôi với hành.
FPT mở ra sân chơi, làm sao để người đi học được thực hành đúng chuyên môn. Rồi người được đi học cũng sẽ tham gia giảng dạy, truyền thụ và chia sẻ kiến thức cho các đồng nghiệp của mình.

Theo công bố của Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương, đến nay FPT Software có trong tay 478 giảng viên nội bộ (chia theo tỷ lệ, Hà Nội chiếm 49%; Đà Nẵng: 18% và Thành phố Hồ Chí Minh: 33%).

Như vậy, nếu các nhà trường tranh thủ được nguồn lực giảng viên này, học viên – sinh viên sẽ thu hoạch thêm nhiều kiến thức vô cùng bổ ích, lượng kiến thức được tích lũy từ kinh nghiệm quản trị, tổ chức sản xuất và thực hành sản xuất, mà chính những khách hàng khắt khe của doanh nghiệp đã đánh giá và chấp nhận.

Hợp tác doanh nghiệp phát triển ngành nghề mới 4.0
Giới thiệu về năng lực đào tạo của VUK, với định hướng đáp ứng kịp thời và phù hợp năng lực người học theo cơ cấu thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi số và công nghiệp 4.0; Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình – Phó Bí thư Đảng uỷ Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn khẳng định thêm rằng:
“Chúng tôi sẽ phát triển các chương trình đào tạo theo xu thế hợp tác chặt chẽ, theo đúng “đơn đặt hàng nguồn lực” của doanh nghiệp. Thậm chí, một phần của chương trình đào tạo do chính doanh nghiệp thiết kế, kể cả cử cán bộ quản lý hay chuyên gia có kinh nghiệm của mình đến trực tiếp giảng dạy, huấn luyện.

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình – Phó Bí thư Đảng uỷ Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn.

Ngoài ra chúng tôi cũng mong rằng, chương trình đào tạo ấy được đánh giá theo khung tiêu chí (yêu cầu bắt buộc về kiến thức, kỹ năng) của doanh nghiệp (người sẽ sử dụng sản phẩm đào tạo). Có như vậy sản phẩm của cả quá trình đào tạo mới đáp ứng tốt hơn, thỏa mãn nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

“VUK quyết tâm đưa tầm hợp tác Doanh nghiệp – Nhà trường chuyên sâu vào lĩnh vực công nghệ thông tin – kinh tế số, trở thành môi trường đào tạo phát triển ngành nghề mới” – ông Bình nhấn mạnh.

Được biết, năm 2020, VKU sẽ tuyển sinh 1.200 sinh viên cho 3 ngành đào tạo với các định hướng ngành, chuyên ngành mới, thuộc các lĩnh vực công nghệ 4.0 như Khoa học dữ liệu – Trí tuệ nhân tạo – IoT; Robotics – Mỹ thuật số – Truyền thông số – An toàn thông tin – Tài chính số… Mỗi năm, Trường cung cấp cho thị trường lao động trung bình từ 1.500 đến 2.000 nhân lực.

Có mặt tại diễn đàn hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng đã chia sẻ thêm thông tin về triển vọng phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.

Số liệu được công bố cho thấy xuất khẩu phần mềm (trên địa bàn Đà Nẵng) có mức tăng trưởng bình quan 25%/năm, các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản và Hoa Kỳ (mỗi thị trường chiếm đến 36%).

Kể cả lĩnh vực kinh doanh phần cứng, dịch vụ viễn thông, bưu chính, chuyển phát; dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin, vi mạch … toàn thành phố Đà Nẵng, hiện có đến 6.200 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở Đà Nẵng). Doanh thu tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp ngành thông tin – truyền thông ở Đà nẵng tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Có 36.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có đến 43% làm việc trong lĩnh vực nội dung số và phần mềm. Tham gia đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, trên địa bàn có 20 trường đại học, học viện – trường cao đẳng; 18 trường trung cấp hay trung tâm đào tạo. Bình quân hàng năm, có 3.500 sinh viên – học viên tốt nghiệp các chuyên ngành công nghệ thông tin.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng .

“Một ưu thế, một lợi thế là nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Đà Nẵng – Trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho cả vùng – đó là yếu tố trẻ, thụ hưởng được quy trình đào tạo bài bản. Và đặc biệt, chi phí lao động tại Đà Nẵng vẫn thấp hơn so với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh” – ông Thanh nhấn mạnh.

Sắp đến, Đà Nẵng sẽ khởi công xây dựng thêm Khu Công viên phần mềm số 2, tạo dựng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng điều kiện làm việc có các nhà đầu tư công nghiệp công nghệ thông tin. Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội việc làm trong tương lai của các kỹ sư công nghệ thông tin, lập trình viên, chuyên viên, kỹ thuật viên, quản trị viên mạng … đã rộng mở.

Góp phần mang lại sản phẩm phục vụ cộng đồng xã hội và thúc đẩy phát triển
Từng là Phó Hiệu trưởng, rồi là Hiệu trưởng CIT; Chủ nhiệm SICT, trực tiếp điều hành các không gian công nghệ-sáng tạo, khai thác rất hiệu quả nguồn lực từ nhà trường; chia sẻ tầm nhìn và công việc cần làm ngay, đón đầu cơ hội trong tương lai; Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp khẳng định thêm:

Nhà trường cũng sẵn sàng cho cùng doanh nghiệp phát triển các Co-working space; Vườn ươm khởi nghiệp -công nghệ – sáng tạo; tạo dựng nên Công viên công nghệ ngay trong trường.

Những không gian này sẽ thu hút, tạo điều kiện và môi trường nuôi dưỡng và phát triển những start –up công nghệ, ý tưởng mới. Doanh nghiệp không còn bị động hay hạn chế sức đóng góp mà trở thành “bà đỡ đồng hành” cùng quá trình khởi sự doanh nghiệp IT, để lại dấu ấn cho cộng đồng.

Nâng tầm hiệu quả hợp tác Trường – Doanh nghiệp, sẽ vừa tạo thêm sản phẩm ứng dụng cho xã hội và thế giới công nghệ, cho yêu cầu chuyển đổi số và tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Quan trọng không kém, là chuẩn bị từ bây giờ , nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, sẵn sàng cho bước phát triển mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng trong những năm tiếp theo./.

T.Ngọc

Quay lại
Đại học CNTT và Truyền thông Việt – Hàn chuyển hướng tiếp cận mới trong hợp tác nhà trường – doanh nghiệp, bài 1