(DSA) – Ngày 27/11, tại Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia về công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực (Conference on Information Technology and its Applications – viết tắt là CITA) lần thứ IX năm 2020.
“Hội thảo lần này đánh dấu cột mốc mới, rất quan trọng: Chặng đường 9 năm liên tiếp của Hội thảo khoa học quốc gia CITA. Và đặc biệt, là năm đầu tiên, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) đảm nhận vai trò chủ trì, đăng cai tổ chức hội thảo” – Phó GS.TS. Huỳnh Công Pháp, Quyền Hiệu trưởng VKU, Người là một trong những thành viên sáng lập chuỗi sự kiện nhấn mạnh.
Mục tiêu chính của CITA hướng đến tạo nên một diễn đàn quy tụ và kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, giới chuyên gia trong nước, quốc tế tham gia công bố, thảo luận và chia sẻ các vấn đề mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng.
CITA lần thứ IX năm 2020 được tổ chức với sự bảo trợ chuyên môn của các nhà khoa học , chuyên gia nghiên cứu đầu ngành Công nghệ thông tin, có uy tín quốc tế và trong nước như: GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ – một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu và giảng dạy về trí tuệ nhân tạo, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Hà Nội. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin; Phó Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0.

GS. TS. Marcin Paprzycki – Senior Member of the ACM; Senior Member of the IEEE; Phó GS.TS. Vijender Kumar Solanki – CSE CMR Institute of Technology Hyderabad, TS, India.
Và gương mặt quen thuộc: GS.TSKH Ngoc-Thanh Nguyen – IEEE SMC Technical Committee on Computational Collective Intelligence; Wroclaw University of Science and Technology, Poland.
“CITA đã tròn 9 năm tuổi, trưởng thành hơn, và ngày càng được cộng đồng những nhà khoa học ủng hộ, đồng hành và quan tâm nuôi dưỡng, đã có hơn 450 bài báo được xuất bản trên 9 Kỷ yếu Hội thảo.
CITA 2020 – lần thứ IX này thu hút hơn 120 tác giả của hơn 80 bài báo đóng góp cho các chủ đề hội thảo. Sau quá trình phản biện hết sức chặt chẽ và nghiêm túc, mỗi bài báo có từ 2-3 phản biện; BTC đã chọn 47 bài báo chất lượng nhất, trong đó có gần 40% bài viết bằng tiếng Anh để in trong Kỷ yếu Hội thảo.

Tỷ lệ chấp nhận bài đạt 55% trên tổng số bài nộp vào hội thảo, đã nói lên chất lượng của Hội thảo CITA luôn giữ ở mức độ mỗi ngày một khắt khe và công phu hơn” – Phó GS.TS. Huỳnh Công Pháp khẳng định.
Liên quan đến một chủ điểm được “đào sâu” tại sự kiện CITA 2020, TS. Nguyễn Quang Vũ – Thường trực Ban tổ chức nhấn mạnh thêm:
“Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang dần đi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống con người chúng ta.. Với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây, Deep Learning, AI trở nên gần với cuộc sống, tạo ra nhiều thành tựu mới, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống.

Hội nghị khoa học quốc gia CITA 2020, lần thứ IX cũng không nằm ngoài dòng chảy chung đó. Rất nhiều tác giả, thông qua các công trình nghiên cứu của mình đã gửi đến CITA những nghiên cứu mới nhất của mình cũng đặt vấn đề và đưa ra nhiều giải pháp làm thế nào để ứng dụng AI để giải quyết nhiều bài toán thực tế và thiết thực trong kinh tế – xã hội”.

Được khởi xướng từ năm 2012, Hội thảo Khoa học CITA đã chứng minh sự lớn mạnh không ngừng qua mỗi kỳ tổ chức. CITA đã có sự thành công ngoài mong đợi, có đóng góp nhất định cho sự phát triển khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Đặc biệt sự kiện mang ý nghĩa rất lớn là đã tạo ra một diễn đàn khoa học uy tín mang tầm vóc hội thảo quốc gia tại khu vực Miền Trung – Tây nguyên, trong đó chú trọng ưu tiên dành cho những nhà cứu trẻ.

Với CITA, cộng đồng các nhà khoa học về công nghệ thông tin và ứng dụng trên khắp cả nước và nhất là Miền Trung – Tây Nguyên đã có cơ hội lớn để cùng quy tụ và kết nối.
Cứ mỗi năm một lần, tất cả cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi về học thuật, khoa học, cùng nhau thúc đẩy, phát triển đào tạo, nghiên cứu về công nghệ thông tin. Đây là những đóng góp bắt nhịp nhanh với chiến lược phát triển công nghệ thông tin của quốc gia trước những tác động của trào lưu mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ hội nhập sâu rộng mang lại.

T.Ngọc