
(DSA) – Trong khuôn khổ “chuỗi sự kiện” do Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn – Đại học Đà Nẵng (VKU), vừa tổ chức trong hai ngày 19 và 20/3/2022; Tọa đàm “Xu hướng, cơ hội nghề nghiệp và tuyển dụng nguồn nhân lực số – Vai trò của các bên liên quan” đã trở thành diễn đàn mở hữu ích, thiết thực. Từ nhiều góc nhìn, các đại biểu thẳng thắn chia sẻ quan điểm cùa mình.
“Tọa đàm mang một ý nghĩa rất lớn, đó là nhận diện xu hướng chuyển đổi số, cụ thể là ngay tại thành phố Đà Nẵng. Qua đó, chúng ta xác định, cần định hướng như thế nào về sự chuẩn bị, cũng như cơ hội nghề nghiệp cho các em học sinh ở các trường THPT hiện nay.
Và cũng từ đó, chúng ta trao đổi, thảo luận, tiến tới hình thành mạng lưới kết nối bền vững giữa 3 nhà (NHÀ NƯỚC – NHÀ DOANH NGHIỆP – NHÀ TRƯỜNG). Nếu xúc tiến một cơ hội hợp tác bền vững và trách nhiệm, sẽ thúc đẩy các bên cùng tham gia góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng chuyển đổi số có chất lượng cao cho cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung” – PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU, nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và nội dung số; đại diện Hội Tin học, Hiệp hội doanh nghiệp Phần mềm thành phố Đà Nẵng; đại diện Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; các cơ quan truyền thông…
5 đại biểu tham gia giao lưu trực tiếp gồm lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ,; đại diện Ban Giám hiệu VKU
Xu hướng chuyển đổi số đã rõ
Ngày 24/1/2022 vừa qua, UBND Đà Nẵng đã ban hành công văn số 514/UBND-STTTT, triển khai Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, phê duyệt đề án “Xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số”.
Để vận dụng chỉ số đánh giá này tại Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chương trình xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số ngay tại địa bàn thành phố
UBND các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã triển khai hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện đánh giá xác định chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp để làm căn cứ đánh giá hiệu quả chuyển đổi số và có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số phù hợp.

Hiệp hội doanh nghiệp thành phố phổ biến “Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp” đến các doanh nghiệp thành viên, chủ động có các giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng, phát động phong trào chuyển đổi số trong các đơn vị thành viên và sử dụng “Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp” để đánh giá kết quả triển khai.
Được biết, năm 2021 cũng đánh dấu những bước đi mạnh mẽ của Đà Nẵng trong chuyển đổi số, cụ thể là hơn 20 giải pháp ứng dụng công nghệ, hỗ trợ tích cực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp phòng, chống dịch COVID-19 đã được xây dựng, triển khai ứng dụng kịp thời, và phát huy hiệu quả rõ rệt.
Cũng với năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và tác động kéo dài, đã mang đến những khó khăn, thách thức rất lớn đối với nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cũng hoạt động. Tuy nhiên, ngành Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng vẫn đạt tỷ trọng 8,23% trong cơ cấu GRDP (của thành phố), chỉ xếp sau ngành thương mại (14,6%) và ngành vận tải (8,6%).
Điều này khẳng định xu thế tất yếu của chuyển đổi số trên địa bàn, chuyển đổi số sẽ đưa kinh tế số – xã hội số của Đà Nẵng, phát triển mạnh hơn. Nhưng cũng cảnh báo sớm: Đà Nẵng cần thỏa mãn chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

Năm 2021, thành phố Đà Nẵng đã nhận được nhiều giải thưởng quan trọng và được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng đứng đầu về Chuyển đổi số cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ (DTI). Đà Nẵng dẫn đầu ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Đà Nẵng tiếp tục đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2021; đồng thời 3 giải chuyên đề “Thành phố điều hành quản lý thông minh”, “Thành phố y tế thông minh”, “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch” năm 2021.
Bên cạnh đó, thành phố được bình chọn là một trong 5 thành phố khu vực châu Á -Thái Bình Dương và trong 30 thành phố thông minh mới nổi độc đáo và sáng tạo do Viện Nghiên cứu chiến lược Eden công bố; được Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 đánh giá và trao giải “Tổ chức nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2021”.
Nhà trường trung học phổ thông hãy là những “Bà đỡ đầu tiên” cho ý tưởng sáng tạo
“Chuyển đổi số liên quan mật thiết đến đổi mới sáng tạo, mà đổi mới sáng tạo lại bắt nguồn từ những đam mê nghiên cứu. Bước đầu và bắt đầu hãy là những ý tưởng nhỏ, có thể là những điều được khơi gợi từ chính thế giới xung quanh các cháu học sinh phổ thông, hay giải quyết một vấn đề mà các cháu hay gặp phải trong học tập, sinh hoạt …
Tôi cho rằng, ngay từ bậc học trung học phổ thông, các em phải được đánh thức, khơi dậy niềm đam mê tìm tòi, tự nghiên cứu, và nhà trường hãy định hướng, kể cả có sự phân luồng năng lực kịp thời, giúp các em biết thế nào là công việc là cách nghiên cứu khoa học, cho các em làm quen với khái niệm khởi nghiệp.
Nhà trường trung học phổ thông hãy là những bà đỡ đầu tiên ý tưởng sáng tạo của các em. Phải làm cho các em hứng khởi hơn, biết nuôi dưỡng đam mê, hoài bão, theo đuổi những lĩnh vực khoa học mà các em yêu thích.

Một kỹ năng cốt lõi nữa, vô cùng cần thiết cho nguồn lực phục vụ chuyển đổi số, và yêu cầu này cần được chuẩn bị sớm, chuẩn bị ngay ở bậc học mà em các bắt đầu học ngoại ngữ, đó là kỹ năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
Tôi thật sự vui, khi biết VKU đã bổ sung thêm việc dạy-học, bồi dưỡng tiếng Hàn, tiếng Nhật cho sinh viên trường chúng ta. Nguồn nhân lực số phải biết và sử dụng được ngoại ngữ mà các em được học” – TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ thành phố Đà Nẵng, tâm huyết bày tỏ.
Làm mới câu chuyện dạy và học Tin học để học sinh đam mê hơn !
Đòng tình với ý kiến của TS Vũ Thị Bích Hậu, Thầy Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho rằng, nhà trường phải là nơi thắp lên những đam mê học tập, nghiên cứu cho học sinh, trong đó phải làm sao để học sinh yêu thích hơn môn Tin học, chớ không thể dạy và học môn Tin học như hiện nay.
“Chúng ta sử dụng giáo trình cách đây đã 10 năm để dạy, rất nhàm chán, thử hỏi làm sao các cháu ham thích, chịu khó trong học tập. Tin học là một môn, một chuyên ngành mà sự thay đổi và tiến bộ luôn vượt bậc. Thầy, cô dạy môn Tin học phải tự tìm tòi, phát hiện cái mới và làm mới kiến thức của mình thường xuyên, rồi truyền đạt lại kiến thức mới đó cho học sinh, thì mới làm cho việc học môn Tin học trở nên hấp dẫn, đầy hứng thú.
Thực trạng hiện nay là nhà trường chúng ta còn xa rời thực tế. Nhu cầu của người học, của xã hội, chúng ta vẫn chưa nắm bắt được. Rồi nhà trường vẫn chưa hiểu nhu cầu doanh nghiệp – còn doanh nghiệp thì ngần ngại chưa vào nhà trường. Do vậy, chúng ta chưa có những buổi ngoại khóa Tin học trong nhà trường, mời đại diện doanh nghiệp hay chuyên gia ngoài nhà trường đến nói chuyện với các em học sinh.
Hiện nay, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã có hướng dẫn và phân cấp, các nhà trường phải chủ động trong việc này, các Thầy, cô Hiệu trưởng phải mạnh dạn thay đổi, các thầy, cô giáo viên bộ môn phải chủ động và tích cực hơn.
Phải thay đổi phương pháp, nội dung dạy – học môn Tin học, không thể cứ chậm chân, cứ bám theo bộ giáo trình đã cũ, không hòa nhập với sự thay đổi về nhận thức cũng như nhu cầu của học sinh và xã hội.

Khẳng định về xu hướng của chuyển đổi số, Thầy Mai Tấn Linh chia sẻ nhìn nhận: Nhờ sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông, tác động của chuyển đổi số, mà trong đại dịch COVID-19, việc học tập vẫn diễn ra theo hình thức trực tuyến, bảo đảm hoàn thành năm học. Nếu đại dịch COVID-19 xảy ra cách đây chừng hơn 10 năm, thì có nước “bó tay”, lấy đâu điều kiện, môi trường, phương tiện để tổ chức dạy và học trực tuyến. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để giải quyết những nhu cầu thiết yếu mà chúng ta rất cần.
Được biết, toàn bộ chương trình tọa đàm được BTC livestream trên nền tảng fanpage VKU. Theo BTC, đã có hơn 3.000 lượt theo dõi, nắm bắt được hàm lượng thông tin vô cùng bổ ích, những câu chuyện thú vị.
“Nếu chuẩn bị thành công nguồn nhân lực số, thì “Giấc mơ miền Trung – Tây Nguyên cất cánh, phát triển trong kỷ nguyên số, mới thành hiện thực” – PGS.TS Huỳnh Công Pháp nhấn mạnh thêm để khẳng định 3 nhà (NHÀ NƯỚC – NHÀ DOANH NGHIỆP – NHÀ TRƯỜNG) phải sớm hình thành mạng lưới kết nối bền vững, giúp học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội, sẵn sàng để trở thành thành viên có đầy đủ tâm thế của nguồn nhân lực số.

T.Ngọc